Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 chính thức có hiệu lực từ 1/7/2019, trong đó có quy định 6 điều cán bộ, công chức không được làm.
6 công việc người có chức vụ, quyền hạn không được làm
Theo khoản 2 Điều 20 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị không được làm những việc sau:
– Nhũng nhiễu trong giải quyết công việc;
– Thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, trừ khi luật có quy định khác;
– Tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong và nước ngoài về công việc có liên quan đến bí mật Nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;
– Thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực trước đây mình quản lý trong thời hạn nhất định theo quy định của Chính phủ;
– Sử dụng trái phép thông tin của cơ quan, tổ chức, đơn vị;
– Những việc khác theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Luật Doanh nghiệp và luật khác có liên quan.
Ngoài ra, cũng theo Điều luật này, có một số điều cán bộ, công chức, viên chức phải dặn kỹ người thân.
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác từ đủ 2 – 5 năm
Điều 25 của Luật nêu rõ, đối tượng phải định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là những người có chức vụ, quyền hạn làm việc tại một số vị trí liên quan đến:
– Tổ chức cán bộ
– Quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công
– Trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác.
Thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác là từ đủ 02 – 05 năm, theo đặc thù của từng ngành, lĩnh vực.
Riêng cơ quan, tổ chức, đơn vị chỉ có 01 vị trí định kỳ chuyển đổi công tác mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ đặc thù so với vị trí khác thì việc chuyển đổi do người đứng đầu cơ quan, đơn vị đề nghị với cơ quan có thẩm quyền quyết định chuyển đổi.
Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác được ban hành và công khai hàng năm.
Không được nhận quà trực tiếp, gián tiếp dưới mọi hình thức
Khoản 2 Điều 22 của Luật Phòng chống tham nhũng 2018 nhấn mạnh: “… người có chức vụ, quyền hạn không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình”.
Trước đây, Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 chỉ cấm cán bộ, công chức, viên chức không được nhận “tiền, tài sản, lợi ích vật chất”, Luật mới đã mở rộng thành “quà tặng dưới mọi hình thức”.
Toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức đều phải kê khai tài sản
Theo Điều 34 của Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập được mở rộng tới các đối tượng sau:
– Cán bộ, công chức;
– Sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội, quân nhân chuyên nghiệp;
– Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp;
– Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
Trước đây, tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2005 người có nghĩa vụ kê khai tài sản chỉ bao gồm cán bộ từ Phó trưởng phòng của UBND cấp huyện trở lên; Một số cán bộ, công chức tại xã, phường, thị trấn…
Thêm nhiều loại tài sản, thu nhập phải kê khai
Theo Điều 35, các loại tài sản, thu nhập phải kê khai bao gồm:
– Quyền sử dụng đất, nhà ở, công trình xây dựng và tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng;
– Kim khí quý, đá quý, tiền, giấy tờ có giá và động sản khác mà mỗi tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên;
– Tài sản, tài khoản ở nước ngoài;
– Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.
So với quy định trước đây, nhiều loại tài sản, thu nhập phải kê khai đã được bổ sung, như: Tài sản khác gắn liền với đất, nhà ở, công trình xây dựng; Tổng thu nhập giữa 02 lần kê khai.
Biến động tài sản từ 300 triệu đồng/năm trở lên phải kê khai bổ sung
Đây là nội dung mới được đưa vào Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 mà cán bộ, công chức, viên chức cần hết sức lưu ý.
Theo đó, khoản 2 Điều 36 của Luật chỉ rõ: “Kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31/12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập…”
Đinh Thu
(Theo Infonet.vn)