baner tailieuHN

idesk

lich lam viec

hoi dap

khao sat

gopyduthao

Liên kết website

Thống kê

Đang có 932 khách và không thành viên đang online

Nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk
Nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk

Ngày 04/7/2011, Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế, thay thế Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức pháp chế các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và doanh nghiệp nhà nước.

Triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành Đề án triển khai thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh (kèm theo Quyết định số 1712/QĐ-UBND ngày 02/8/2012) và Chỉ thị số 06/2013/CT-UBND ngày 25/9/2013 về việc kiện toàn và nâng cao chất lượng công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và các doanh nghiệp nhà nước thuộc tỉnh quản lý. Trong đó, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn khẩn trương xây dựng, củng cố tổ chức pháp chế nhằm đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP; đồng thời, tăng cường năng lực, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động công tác pháp chế.

Sau hơn 05 năm triển khai thực hiện, tổ chức và hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bên cạnh đó cũng còn một số hạn chế, tồn tại cần nghiên cứu và có định hướng khắc phục trong thời gian tới.

1. Những kết quả đạt được

Nhờ sự tập trung chỉ đạo của UBND tỉnh, tổ chức và hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk trong thời gian qua từng bước được củng cố, kiện toàn và đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng nhu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội của địa phương.

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có nhiều chuyển biến, đã cụ thể hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước cũng như các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương. Các văn bản được ban hành phục vụ có hiệu quả cho sự phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị trên địa bàn. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng trình tự, thủ tục, chất lượng, khả thi.

Công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra và xử lý văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh ngày càng được triển khai thực hiện hiệu quả và chất lượng, kịp thời phát hiện những quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội để kiến nghị đình chỉ thi hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản thay thế, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Công tác kiểm soát thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong tiếp cận, thực hiện thủ tục hành chính. Công tác kiểm soát thủ tục hành chính hướng tới mục tiêu thủ tục hành chính phải đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện, phù hợp với mục tiêu quản lý hành chính nhà nước, tiết kiệm thời gian và chi phí của cá nhân, tổ chức và cơ quan hành chính nhà nước.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật được các cơ quan chuyên môn duy trì thực hiện thường xuyên với các hình thức đa dạng, phong phú; góp phần chuyển tải các nội dung pháp luật đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đồng bào các dân tộc, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, tạo sự lan tỏa, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành Hiến pháp và pháp luật cho các đối tượng này.

Công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật được đẩy mạnh thực hiện, ngày càng đi vào chiều sâu, bảo đảm gắn kết chặt chẽ giữa theo dõi tình hình thi hành pháp luật với xây dựng pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và kiểm soát thủ tục hành chính. Chú trọng những lĩnh vực mang tính thời sự, có nhiều bức xúc để tiến hành theo dõi, đánh giá; qua đó, đã đề ra các biện pháp chỉ đạo, xử lý những tồn tại, bất cập trong quá trình thực thi pháp luật đối với các lĩnh vực được theo dõi hàng năm.

2. Một số hạn chế, tồn tại

Bên cạnh những kết quả đạt được, tổ chức và hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh vẫn còn một số hạn chế, tồn tại như:

Thứ nhất, việc thành lập, kiện toàn tổ chức pháp chế chưa được thực hiện đồng bộ ở các cơ quan chuyên môn. Nguyên nhân của thực trạng này là do hiện nay hầu hết các Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh không phù hợp, thống nhất với quy định của Nghị định số 55/2011/NĐ-CP.

Theo quy định tại Nghị định số 55/2011/NĐ-CP, có 14 cơ quan chuyên môn bắt buộc thành lập phòng pháp chế. Tuy nhiên, các Thông tư liên tịch hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Sở: Công thương, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Y tế lại không quy định việc thực hiện công tác pháp chế tại các Sở này. Đối với các cơ quan chuyên môn còn lại, ngoài Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (có phòng Tổ chức - Pháp chế) và Sở Giao thông vận tải (có phòng Pháp chế - An toàn), các cơ quan khác đều giao nhiệm vụ pháp chế cho Văn phòng thực hiện.

Thứ hai, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật có rất nhiều điểm mới nên bước đầu triển khai thi hành gặp nhiều khó khăn. Do đó, một số cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh vẫn còn lúng túng trong triển khai quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh.

Thứ ba, sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và giữa tổ chức pháp chế với các đơn vị khác trong cùng cơ quan chuyên môn trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ pháp chế chưa thực sự chặt chẽ, chủ động, hiệu quả, dẫn đến một số lĩnh vực công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn đạt hiệu quả chưa cao như công tác góp ý dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, công tác kiểm soát thủ tục hành chính.

3. Một số giải pháp

Để nâng cao hiệu quả tổ chức và hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh Đắk Lắk trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh. Quy định thống nhất việc thực hiện nhiệm vụ pháp chế, mô hình tổ chức pháp chế và hướng dẫn về biên chế, vị trí việc làm đối với công chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh.

Hai là, tăng cường vai trò chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Tư pháp đối với công tác pháp chế ở địa phương; đề cao vai trò chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong công tác pháp chế.

Ba là, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức pháp chế ở các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, trong đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng phải được coi là nhiệm vụ trọng tâm. Bộ Tư pháp, UBND tỉnh thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu về kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ công chức pháp chế; đảm bảo cho đội ngũ công chức pháp chế có trình độ, năng lực, kiến thức thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Bốn là, tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác pháp chế. Quy định cụ thể cơ chế, trách nhiệm phối hợp của Sở Tư pháp và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ pháp chế. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Sở Tư pháp trong việc hướng dẫn nghiệp vụ và kịp thời giải đáp, tháo gỡ vướng mắc phát sinh cho các tổ chức pháp chế khi có yêu cầu.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra của UBND tỉnh về tình hình thực hiện công tác pháp chế tại các cơ quan chuyên môn. Thông qua kiểm tra để đánh giá đúng thực trạng triển khai thực hiện, từ đó kịp thời hướng dẫn về nghiệp vụ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc và đề ra biện pháp khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác pháp chế của các cơ quan chuyên môn.

Sáu là, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động pháp chế và bảo đảm nguồn kinh phí cho tổ chức, hoạt động pháp chế của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Xây dựng và hoàn thiện trang thông tin điện tử của các cơ quan chuyên môn, coi đây là phương tiện phục vụ đắc lực cho công tác pháp chế. Đăng tải kịp thời, đầy đủ các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để lấy ý kiến của nhân dân, các thủ tục hành chính, các văn bản quy phạm pháp luật trong ngành, lĩnh vực để nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu và thực hiện. Tạo mục hỏi đáp pháp luật để giải đáp các vướng mắc của cơ quan, tổ chức, công dân về các chính sách pháp luật trong ngành, lĩnh vực, tạo cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa người dân và cơ quan nhà nước một cách nhanh chóng, chính xác, hiệu quả. Sử dụng triệt để hệ thống thư điện tử công vụ để trao đổi thông tin, báo cáo về hoạt động pháp chế giữa Sở Tư pháp và tổ chức pháp chế của các cơ quan chuyên môn./.

                                        Hồ Thị Bích Phương - Văn phòng Sở

 pano thi viet Chuyen doi so

dmtthc

lg DH Đảng

dan hoi

co so du lieu quoc gia

Qr zalo bnv

BANER TUYENDUNG

daklakgovvn

Cong bao Dak Lak

baner ccvc

 

ipv6 ready