Sáng 14/4, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị công bố Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2020, do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) Việt Nam chủ trì tổ chức.
Bản đồ hiệu quả và quản trị hành chính công cấp tỉnh năm 2020
Theo đại diện UNDP Việt Nam, Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) năm 2020 phản ánh đánh giá về hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước và cung ứng dịch vụ công của các cấp chính quyền của 14.732 người dân được chọn ngẫu nhiên trong dân cư Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, với đặc điểm nhân khẩu đa dạng. Chỉ số PAPI năm 2020 đánh giá theo 8 chỉ số nội dung: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường; Quản trị điện tử.
Qua đánh giá, Quảng Ninh tiếp tục là tỉnh dẫn đầu Chỉ số PAPI với 48,811 điểm; tiếp đó là các tỉnh: Đồng Tháp (46,961 điểm), Hòa Bình (46,471 điểm). Các tỉnh nằm cuối bảng xếp hạng gồm: Lâm Đồng (38,623 điểm); Khánh Hòa (39,141 điểm); Sóc Trăng (39,476 điểm). Nhìn chung, phần lớn các tỉnh trong nhóm 16 tỉnh, thành phố đạt điểm cao nhất tập trung ở các vùng Đông Bắc, Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh trong nhóm thấp nhất phần lớn tập trung ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ.
Chỉ số PAPI năm 2020 của tỉnh Đắk Lắk đạt 41,53 điểm, xếp vị thứ 50/63 tỉnh, thành phố; tăng 12 bậc so với năm 2019 (xếp vị thứ 62/63 tỉnh, thành phố). Trong đó chỉ số nội dung sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở đạt 4,960 điểm; Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định: 5,345 điểm; Trách nhiệm giải trình với người dân: 5,026 điểm; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công: 6,385 điểm; Thủ tục hành chính công: 6,998 điểm; Cung ứng dịch vụ công: 6,832 điểm; Quản trị môi trường: 3,215 điểm; Quản trị điện tử: 2,769 điểm.
PAPI là công cụ phản ánh hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến người dân, với sự tham gia của người dân trong giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền, được thực hiện từ bên ngoài khu vực Nhà nước lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Trong suốt 12 năm qua, có tới 146.233 lượt người dân được chọn ngẫu nhiên trên phạm vi toàn quốc đã tham gia đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công ở nhiều lĩnh vực cụ thể.
Nghiên cứu PAPI đã đi qua hai nhiệm kỳ chính quyền các cấp (2011-2016 và 2016-2021). Vì vậy, dữ liệu PAPI giúp chính quyền các cấp nhìn lại xu thế hiệu quả quản trị qua 10 năm, đồng thời gợi nhắc những dư địa cần tiếp tục cải thiện nhằm củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền các cấp, tạo điều kiện để người dân phát huy tiềm năng trong quá trình phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch Covid-19.
Theo https://daklak.gov.vn/