baner tailieuHN

idesk

lich lam viec

hoi dap

khao sat

gopyduthao

Liên kết website

Thống kê

Đang có 881 khách và không thành viên đang online

Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
Thực trạng và giải pháp đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính (CCHC) nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 đưa ra 06 nhiệm vụ, mà ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa nền hành chính là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đặc biệt là khi chúng ta đang tiếp cận và thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; trong đó việc áp dụng dịch vụ công trực tuyến là một giải pháp hữu hiệu trong tiếp nhận và giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước.

1. Khái niệm dịch vụ công trực tuyến và những lợi ích của dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định số 43/2011/NĐ-CP ngày 13/6/2011 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, “dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ hành chính công và các dịch vụ khác của cơ quan nhà nước được cung cấp cho các tổ chức, cá nhân trên môi trường mạng”. Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) có 4 mức độ, trong đó, mức độ 3 và 4 được thực hiện trên môi trường mạng. Với mức độ 3, người sử dụng có thể điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ; với mức độ 4, người sử dụng có thể thực hiện thanh toán lệ phí (nếu có) trực tuyến và việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng. Như vậy, với DVCTT mức độ 4, tổ chức, người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) mà hoàn toàn không phải đến cơ quan nhà nước. Đây là bước nhảy vọt về CCHC, giảm thiểu tối đa công sức của người dân và chính quyền trong việc giải quyết các TTHC.

Cung cấp các DVCTT được xem là khâu quan trọng, then chốt trong tiến trình cải cách hành chính và triển khai Chính phủ điện tử. Việc sử dụng DVCTT mức độ 3, mức độ 4 mang lại rất nhiều lợi ích cho người dân, tổ chức. Thông qua việc triển khai DVCTT mức độ 3 và mức độ 4, người dân, tổ chức có thể giao tiếp với cơ quan nhà nước 24 giờ trong ngày, 7 ngày trong tuần, tại bất cứ đâu có kết nối internet; các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. có thể theo dõi, giám sát được tình trạng giải quyết hồ sơ. Qua đó, giảm thời gian gửi, nhận hồ sơ; giảm thiểu chi phí và thời gian đi lại của người dân, tổ chức; giảm sự trì trệ, quan liêu của một bộ phận công chức nhà nước; tránh tệ nạn tham nhũng, cửa quyền; đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan nhà nước và nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố cũng như Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh.

2. Thực trạng áp dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Ngày 01/11/2016, UBND tỉnh Đắk Lắk ban hành Quyết định số 3269/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai Hệ thống Dịch vụ hành chính công trực tuyến tích hợp Một cửa điện tử liên thông tỉnh Đắk Lắk (sau đây gọi tắt là Hệ thống iGate). UBND tỉnh cũng đã ban hành quy trình điện tử hóa việc tiếp nhận và giải quyết TTHC công trực tuyến mức độ 3, 4 trên Hệ thống iGate tại Quyết định 2083/QĐ-UBND ngày 07/8/2017. Đồng thời, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết TTHC công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh và thường xuyên công bố các bộ TTHC được cung cấp, tiếp nhận, giải quyết qua Hệ thống iGate.

Nhờ sự tập trung chỉ đạo của UBND tỉnh, đến cuối tháng 8/2017 tỉnh Đắk Lắk đã hoàn thành việc triển khai Hệ thống iGate cho 100% các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh; đã cung ứng 614 TTHC tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 3, 182 TTHC tiếp nhận và giải quyết trực tuyến mức độ 4 trong tổng số 1723 TTHC được giải quyết tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (theo thống kê trên Hệ thống iGate tính đến ngày 25/11/2018).

Để thông tin về DVCTT mức độ 3, mức độ 4 đến được với người dân và doanh nghiệp, tỉnh đã áp dụng nhiều biện pháp, hình thức phổ biến, tuyên truyền như: Thông tin về DVCTT mức độ 3, mức độ 4 trên các phương tiện thông tin đại chúng (Cổng Thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, Báo Đắk Lắk, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh và cấp huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở…); in băng rôn, phướn tuyên truyền trực quan trên các tuyến đường trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột về việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ qua mạng; in tờ rơi phát tới các Tổ dân phố để hướng dẫn người dân truy cập, nộp hồ sơ trên Hệ thống iGate v.v…

Mặc dù đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền, nhưng việc áp dụng DVCTT mức độ 3, 4 của công dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh còn rất hạn chế, chưa đạt yêu cầu đề ra. Theo thống kê trên Hệ thống iGate, tính đến ngày 25/11/2018, chỉ có 7004 hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến (mức độ 3, 4) trong tổng số 194.620 hồ sơ được tiếp nhận tại các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh (chiếm tỉ lệ 3,6%).

Bên cạnh đó, Báo cáo tự đánh giá, chấm điểm tiêu chí, tiêu chí thành phần Chỉ số Cải cách hành chính năm 2017 của tỉnh[1] thể hiện: Tỉ lệ TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ trong năm 2017 là 13/466 TTHC (Dưới 60% số TTHC cung cấp trực tuyến mức độ 3, 4 có phát sinh hồ sơ: 0 điểm); Tỉ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 3 là 1.199/26.290 hồ sơ (Dưới 20% số hồ sơ TTHC: 0 điểm); Tỉ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến mức độ 4 là 0 (Dưới 10% số hồ sơ TTHC: 0 điểm). Riêng tại tiêu chí “Cung cấp dịch vụ công trực tuyến”, Chỉ số Cải cách hành chính của tỉnh bị trừ 2,5/2,5 điểm. Theo Báo cáo Chỉ số Cải cách hành chính - Par Index 2017 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương[2], 38/63 tỉnh thành (60,3%) chỉ đạt 0 điểm ở tiêu chí này, trong đó có tỉnh Đắk Lắk. Như vậy, việc thực hiện DVCTT chính là một trong những tiêu chí bị mất điểm, ảnh hưởng đến Chỉ số Cải cách hành chính của các tỉnh thành nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

3. Một số giải pháp đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Để đẩy mạnh việc thực hiện DVCTT mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, góp phần nâng cao Chỉ số cải cách hành chính của tỉnh trong thời gian tới, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Một là, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, các Sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, chương trình, kế hoạch của Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, kế hoạch của HĐND và UBND tỉnh về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin; tập trung vào giải pháp đẩy mạnh đổi mới, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước, nhất là trong việc giải quyết TTHC; đẩy mạnh cung cấp DVCTT, nhất là đối với các thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Hai là, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về lợi ích và sự thuận tiện của DVCTT mức độ 3, mức độ 4 thông qua các hình thức tuyên truyền trực quan; thông qua các tin bài, phóng sự được đăng phát trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các biện pháp phổ biến, hướng dẫn người dân, tổ chức truy cập, nộp hồ sơ trên Hệ thống iGate thay thế cho cách thức thực hiện thủ tục hành chính công truyền thống (in tờ rơi, tờ gấp; xây dựng các clip hoạt họa, các video… hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện TTHC trên môi trường mạng). Từ đó làm gia tăng mức độ tham gia sử dụng DVCTT của người dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, các văn bản, các quy định nhằm đảm bảo tính pháp lý của các DVCTT. Đồng thời, thực hiện các biện pháp tăng cường sự bảo đảm về an toàn và bí mật thông tin của các cá nhân khi sử dụng DVCTT.

Bốn là, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả các cấp cũng như đội ngũ cán bộ đầu mối kiểm soát TTHC các cấp. Tập huấn việc sử dụng phần mềm iGate, tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm, các lớp bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, nghiệp vụ; đảm bảo cho đội ngũ công chức này có trình độ, năng lực, kiến thức thực tiễn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra của UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện tiếp nhận và giải quyết TTHC mức độ 3, mức độ 4 thông qua Hệ thống iGate. Thông qua kiểm tra để đánh giá đúng thực trạng, từ đó kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn và giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai thực hiện./.

Bích Phương (Văn phòng Sở)

[1] Báo cáo số 33/BC-UBND ngày 26/02/2018 của UBND tỉnh.

[2] Kèm theo Quyết định số 716/QĐ-BNV ngày 24/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

 pano thi viet Chuyen doi so

dmtthc

lg DH Đảng

dan hoi

co so du lieu quoc gia

Qr zalo bnv

BANER TUYENDUNG

daklakgovvn

Cong bao Dak Lak

baner ccvc

 

ipv6 ready