Sáng ngày 19/4/2023, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2022 (SIPAS) và Chỉ số CCHC năm 2022 (PAR Index) của các bộ, ngành, địa phương.
Đồng chí Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thứ tư của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số và công bố chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, chỉ số hài lòng về CCHC năm 2022. Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, lãnh đạo các bộ, ngành và điểm cầu trực tuyến của 63 tỉnh, thành phố.
Tại điểm cầu Đắk Lắk có Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Đắk Lắk
Chỉ số SIPAS là kết quả mang tính định hướng của việc đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; là thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công. Kết quả năm 2022, tỷ lệ Hài lòng trung bình của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung trong cả nước là 80,08%.
Chỉ số SIPAS năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk đạt 80,47%, xếp vị thứ 27/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 3,18%, cải thiện 32 bậc so với năm 2021 (năm 2021 đạt 83,65%, xếp thứ 59/63 tỉnh thành phố).
Chỉ số CCHC (Par Index) là công cụ theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện CCHC tại các bộ, tỉnh hàng năm; đo lường kết quả thông qua các phương pháp định lượng góp phần thúc đẩy thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC của Chính phủ nói chung và các tỉnh, thành phố nói riêng.
Theo kết quả công bố, Chỉ số CCHC năm 2022 của tỉnh Đắk Lắk đạt 84,47 điểm, xếp vị thứ 38/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chỉ số CCHC năm 2022 giảm 2,05 điểm, giảm 2 bậc so với năm 2021, đứng thứ 3/5 so với các tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng: 15/63; Đắk Nông: 37/63; Kon Tum: 55/63; Gia Lai: 58/63).
Tây Nguyên là khu vực có giá trị trung bình cao nhất đối với chỉ số thành phần công tác chỉ đạo, điều hành CCHC đạt 94,17% (năm 2021 là 94,96%). Tỉnh Đắk Lắk là địa phương đứng đầu khu vực Tây Nguyên (xếp hạng 1/5 tỉnh) về công tác chỉ đạo, điều hành CCHC với kết quả đạt 99,47% (đạt 9,45/9,5 điểm). Chỉ số về chỉ đạo, điều hành CCHC luôn nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu giai đoạn 2020-2022 lần lượt là: 10/63 - 9/63 - 11/63. Đó là kết quả nỗ lực không ngừng phấn đấu, thi đua trong tham mưu thực hiện công tác CCHC.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục, cần cải thiện trong năm 2023 như: Các cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chú trọng triển khai các biện pháp để nâng cao chất lượng phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước dẫn đến Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước tỉnh còn thấp; Người dân còn chưa hài lòng về cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả (đặc biệt là cấp huyện và cấp xã), về tác phong, thái độ phục vụ của công chức, về kết quả giải quyết thủ tục hành chính; Công khai thủ tục hành chính không thường xuyên, chưa đầy đủ, chưa kịp thời. Đặc biệt, trong năm 2022, hồ sơ về đất đai trên địa bàn tỉnh tăng đột biến dẫn đến tình trạng quá hạn giải quyết TTHC; còn nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm và xử lý kỷ luật theo Kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ, thanh tra chuyên ngành…
Trong năm 2023, tỉnh cần xây dựng các giải pháp khắc phục, cải thiện các nội dung mất điểm của các cơ quan tham mưu, xây dựng Kế hoạch cải thiện Chỉ số CCHC và Chỉ số hài lòng của cơ quan hành chính năm 2023./.
Tin&ảnh: Hoàng Nguyên- P.CCHC&VTLT