Nhằm ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành trong 75 năm qua, đồng thời gặp mặt các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Văn thư Lưu trữ trong cả nước, sáng ngày 25/12/2020, tại Hà Nội, Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước tổ chức tổ chức Lễ kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành Văn thư lưu trữ Việt Nam.
Dự buổi Lễ, có Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng; Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước Đặng Thanh Tùng; lãnh đạo các cơ quan Trung ương; đại diện các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ; công chức, viên chức đại diện các đơn vị thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước; đại biểu của Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk có ông Đào Huy Hiệu, Chi cục trưởng Chi cục Văn thư – Lưu trữ tỉnh.
Quang cảnh Lễ kỷ niệm
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh công tác văn thư, lưu trữ có vai trò, giá trị vô cùng to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là sản phẩm của hoạt động lãnh đạo và quản lý và là nguồn thông tin gốc phản ánh một cách toàn diện đầy đủ, chân thực mọi mặt hoạt động của đời sống xã hội, của một quốc gia, một địa phương, một cơ quan, tổ chức.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng phát biểu khai mạc
Chính vì vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ngày 03 tháng 01 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Thông đạt số 1C/VP để chỉ đạo việc quản lý công tác công văn giấy tờ và công tác lưu trữ của Nhà nước. Bước đầu thể hiện sự quan tâm đúng đắn và kịp thời của Đảng và Nhà nước đối với việc quản lý công tác công văn giấy tờ và công tác lưu trữ. Đồng thời đây cũng là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt quá trình xây dựng hệ thống cơ quan quản lý và chế độ quản lý công tác công văn giấy tờ và công tác lưu trữ ở các giai đoạn tiếp theo.
Trong Thông đạt, sau khi phê phán nghiêm khắc hiện tượng tùy tiện loại hủy tài liệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định tài liệu lưu trữ “... có giá trị đặc biệt về phương diện kiến thiết quốc gia” và yêu cầu các Bộ trưởng chỉ thị cho nhân viên các sở giữ gìn công văn, tài liệu của chính quyền cũ, cấm huỷ bỏ trái phép; đồng thời nêu rõ hồ sơ, tài liệu lưu trữ “... sẽ phải gửi về những Sở lưu trữ công văn thuộc Bộ Quốc gia giáo dục để tàng trữ.”. Thông đạt số 1C/VP, văn bản chỉ đạo đầu tiên của Nhà nước ta về công tác lưu trữ, không chỉ góp phần ngăn chặn tình trạng trên, nâng cao ý thức của cán bộ và nhân dân đối với việc giữ gìn và phát huy giá trị của tài liệu lưu trữ mà còn đưa ra những quan điểm làm cơ sở cho sự hình thành và phát triển của công tác lưu trữ nước ta.
Phát biểu tại Lễ kỷ niệm, Cục trưởng Đặng Thanh Tùng khẳng định đối với ngành Lưu trữ Việt Nam, ngày 03 tháng 01 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vậy ngày này đã được chọn là Ngày Lưu trữ Việt Nam theo Quyết định số 1229/QĐ-TTg ngày 17/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
Cục trưởng Đặng Thanh Tùng phát biểu tại Lễ kỷ niệm.
Trong nhiều năm qua, Ngành Lưu trữ Việt Nam không ngừng trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt. Ngành đã chủ động triển khai thực hiện Luật Lưu trữ, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về công tác lưu trữ thống nhất, đồng thời tăng cường các giải pháp để bảo vệ an toàn và phát huy có hiệu quả giá trị tài liệu lưu trữ quốc gia, đặc biệt là trong việc đấu tranh khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Những nỗ lực, cố gắng của toàn thể công chức, viên chức Ngành Lưu trữ đã đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước, được Đảng, Nhà nước và xã hội ghi nhận và đánh giá cao, đặc biệt trong bối cảnh xây Chính phủ điện tử hiện nay.
Quang Hùng