baner tailieuHN

idesk

lich lam viec

hoi dap

khao sat

gopyduthao

Liên kết website

Thống kê

Đang có 576 khách và không thành viên đang online

Lối sống giải dị, tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lối sống giải dị, tiết kiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Trong cuốn hồi ký “Bác Hồ viết Di chúc”, ông Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) có nêu một chi tiết rất cảm động là “ngày 10/5/1969, từ 9h30 đến 10h30, Bác đã viết lại toàn bộ đoạn mở đầu Di chúc vào mặt sau của tờ Tin tham khảo đặc biệt ra ngày 3/5/1969”.
Nhiều thế hệ người Việt Nam cũng đã biết tới câu chuyện Bác Hồ viết giấy 1 mặt, dùng chiếc phong bì 2,3 lần. Rồi thật xúc động khi ta biết về điều căn dặn cuối cùng trong Di chúc của Bác sau bao tâm tư: “Sau khi tôi qua đời chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Thậm chí Bác còn dặn dò chi tiết hơn, đó là yêu cầu “thi hài được đốt đi”, tro thì cho vào 3 hộp sành chôn trên 3 quả đồi Bắc, Trung, Nam. Cách làm đó theo Bác là không tốn đất ruộng. Người còn căn dặn rất cẩn thận chỉ trong trường hợp “khi ta có nhiều điện” thì điện táng tốt hơn. Vì với Bác, lãng phí thời giờ và tiền bạc của nhân dân là có tội với dân với nước.
Trong danh sách những việc cần làm ngay, làm thường xuyên và phải đạt hiệu quả trong từng công việc, di chúc của Bác cũng nhấn mạnh đến việc thực hành tiết kiệm và chống lãng phí. Lúc sinh thời, trong cuộc sống hàng ngày, từ việc ăn, ở, sinh hoạt, ở mọi lúc, mọi nơi, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao tinh thần gương mẫu về thực hành tiết kiệm. Bữa ăn của Người cũng không có gì khác bữa ăn của mọi gia đình Việt Nam: Bát cơm, quả cà muối, con cá kho, đĩa rau muống luộc... Trang phục hàng ngày của Người cũng rất đơn sơ, vài bộ quần áo kaki, đôi dép cao su cũ kỹ... Nhà ở của Bác cũng "không có gì khác một ngôi nhà của nông dân Việt Nam" (lời của một người nước ngoài được Bác tiếp đã nhận xét)...
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người nổi tiếng với phong cách “vô ngôn”, không nói nhiều, không hô hào đao to búa lớn. Người luôn thể hiện bằng chính những hành động, nếp sống của mình  từ những việc nhỏ nhất như đôi dép cao su đến việc lớn như lựa chọn ngôi nhà mình ở và đặc biệt là quyết định cho việc hậu sự của mình để làm gương cho cán bộ, chiến sĩ. Bác cũng luôn nhắc nhở cán bộ chiến sĩ “lời nói phải đi đôi với việc làm, nói mà không làm dân sẽ không tin”. Và chính tấm gương sáng về tinh thần tiết kiệm đã tạo niềm tin, là sự bảo chứng uy tín nhất đối với nhân dân cả nước.
Điều này đã lý giải vì sao người dân cả nước đã nô nức hưởng ứng Sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm. Ở Hà Nội đã diễn ra phong trào tự nguyện đóng góp tiền của, vàng, bạc cho Chính phủ trong Tuần lễ Vàng, từ những người lao động nghèo khổ đến những tư sản, điền chủ giàu có... đều hưởng ứng. Nếu lời kêu gọi ủng hộ vàng kia không phải từ Người, chắc chắn hiệu quả của Tuần lễ Vàng có thể không đạt được thành công to lớn như thế (Tuần lễ Vàng khai mạc tại Hà Nội ngày 16/9/1945. Đến ngày bế mạc, nhân dân Thủ đô đã góp 2.201 lạng vàng, 920 tạ thóc, nhiều tiền bạc, hiện vật khác, tổng cộng giá trị trên 7 triệu đồng Đông Dương lúc bấy giờ). Số tiền ủng hộ của nhân dân Hà Nội cùng với số tiền của nhân dân cả nước (20 triệu đồng góp “Quỹ độc lập”, 40 triệu đồng đảm phụ quốc phòng, 370 kg vàng) đã giúp Chính phủ khắc phục những khó khăn về tài chính trước mắt, mua sắm thêm vũ khí.
Theo PGS.TS Bùi Đình Phong, quan điểm tiết kiệm của Hồ Chí Minh là không xa xỉ, không hoang phí, bừa bãi, phải biết quý từng đồng tiền hạt gạo của nhân dân. Cái gì không có lợi cho dân, cho cách mạng thì một xu cũng không tiêu. Cái gì có lợi cho nước cho dân thì dù tốn bao nhiêu cũng phải tiêu. Tiết kiệm không chỉ cho bản thân mình, mà tiết kiệm chinh là cho gia đình, xã hội, cách mạng cho Tổ Quốc và nhân dân. Tiết kiệm không chỉ là tiền bạc, thời gian mà còn là sức lao động, chất xám và làm đúng kế hoạch. Làm được những việc nhỏ thì sẽ thành cái to như Bác đã chỉ rõ “nơi nào cũng tiết kiệm một chút, thì trong một năm đỡ được hàng vạn tấn giấy, tức là hàng triệu đồng bạc. Nhờ tiết kiệm... mà lợi cho dân rất nhiều”.
Qua 45 năm thực hiện Di chúc của Bác, cùng với việc thực hiện Cuộc vận động “học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đất nước ta đã thoát khỏi tình trạng kém phát triển nhưng vẫn là một nước nghèo. Đâu đó trên những vùng miền của tổ quốc vẫn còn nhiều người phải chịu cảnh đói rét. Và PGS Bùi Đình Phong cho rằng một trong những trở lực của sự phát triển là lãng phí. Chúng ta vẫn còn lãng phí thời gian, sức lao động, chi phí vật chất. Sử dụng vốn Nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa hiệu quả, còn lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công, trong khai thác tài nguyên khoáng sản. Quy hoạch bố trí dự án dàn trải, không hiệu quả, dự án chậm tiến độ, chất lượng công trình kém. Một loại lãng phí khác đó là lãng phí chất xám, bố trí người chưa đúng chỗ, chưa thực sự quan tâm người tài, chưa “khéo dùng cán bộ” như cách nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đảng và Nhà nước đã kêu gọi phát động nhiều cuộc vận động, thi đua kêu gọi thực hành tiết kiệm và chống lãng phí, bởi chúng ta nhận thức được giá trị và tầm quan trọng của việc chống lãng phí. Vì thế, lời dặn dò trong Di chúc và tấm gương sống của Bác Hồ về tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn vẹn nguyên giá trị./.
                                                                 Đinh Thu - Trích báo (Chinhphu.vn) 

 pano thi viet Chuyen doi so

dmtthc

lg DH Đảng

dan hoi

co so du lieu quoc gia

Qr zalo bnv

BANER TUYENDUNG

daklakgovvn

Cong bao Dak Lak

baner ccvc

 

ipv6 ready