Trong các ngày 24, 25 và 26/7/2017, UBND tỉnh tổ chức 03 hội nghị triển khai Luật Tín ngưỡng, tôn giáo cho trên 600 lượt đại biểu là cán bộ chủ chốt của tỉnh, huyện; chủ tịch UBND cấp xã và chức sắc bốn tôn giáo (công giáo, Phật giáo, Tin lành, Cao đài) trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Ông Võ Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc Hội nghị dành cho cán bộ chủ chốt cấp tỉnhvà huyện cho biết: Đắk Lắk là một tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, có 47 dân tộc anh em và có 4 tôn giáo lớn (Công giáo, Phật giáo, Tin lành và Cao đài) với số lượng tín đồ chiếm 36% dân số của tỉnh. Những năm qua lãnh đạo tỉnh đã có sự quan tâm sâu sát và chỉ đạo các cấp, các ngành địa phương thực hiện đúng và đầy đủ chính sách của Nhà nước về tôn giáo. Bên cạnh việc quan tâm, chăm lo đời sống vật chất cho đồng bào, lãnh đạo các địa phương đã giải quyết tốt các nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào có đạo, vì vậy đã khích lệ động viên được đông đảo chức sắc, chức việc và quần chúng tín đồ tôn giáo tin tưởng vào chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Đại đa số đồng bào các tôn giáo đều yên tâm lao động sản xuất và tích cực tham gia vào các lĩnh vực đời sống xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 18/11/2016 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 là kết quả những cố gắng không mệt mỏi của Nhà nước và Quốc hội về vấn đề tôn giáo nói riêng và hoàn thiện hệ thống luật pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nước ta nói chung. Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được xây dựng trên cơ sở tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, bám sát tinh thần của Hiến pháp năm 2013; quán triệt sâu sắc và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tôn giáo, phù hợp với thông lệ quốc tế. Luật quy định cụ thể về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo; tổ chức tôn giáo; quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo,... Đây là lần đầu tiên, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được luật hóa một cách cụ thể, đầy đủ thành một chế định riêng và có nhiều điểm mới so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo ban hành năm 2004.
Bên cạnh việc tiếp thu những nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, các đại biểu tham dự hội nghị được cập nhật thông tin tình hình tôn giáo thế giới và bức tranh tôn giáo Việt Nam. Báo cáo viên cho các hội nghị lần này là PGS.TS. Nguyễn Thanh Xuân - Giảng viên cao cấp, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (nguyên Phó Trưởng ban, Ban Tôn giáo Chính phủ)./.
Tin và ảnh Thúy Ly
(Ban Tôn giáo)