baner tailieuHN

idesk

lich lam viec

hoi dap

khao sat

gopyduthao

Liên kết website

Thống kê

Đang có 987 khách và không thành viên đang online

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, những kết quả, tồn tại, hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, những kết quả, tồn tại, hạn chế và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu thật sự có đức, có tài, có uy tín trong thời gian qua đã được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm; đã ban hành nhiều nghị quyết, quy định, hướng dẫn thể hiện các chủ trương, quan điểm về công tác cán bộ, trong đó có quy định cụ thể về phẩm chất, đạo đức, điều kiện, tiêu chuẩn của cán bộ, công chức, viên chức. Đặc biệt là quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ được nêu tại Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là:

Một là: Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng; công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là công việc hệ trọng của Đảng, phải được tiến hành thường xuyên, thận trọng, khoa học, chặt chẽ và hiệu quả. Đầu tư xây dựng đội ngũ cán bộ là đầu tư cho phát triển lâu dài, bền vững.

Hai là: Thực hiện nghiêm, nhất quán nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Chuẩn hóa, siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với xây dựng thể chế, tạo môi trường, điều kiện để thúc đẩy đổi mới, phát huy sáng tạo và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Phân công, phân cấp gắn với giao quyền, trách nhiệm, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm minh sai phạm.

Nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân và sự phát triển của tỉnh. Trong những năm gần đây, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành nhiều văn bản về siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức, như: (1) Quyết định số 29/2016/QĐ-UBND ngày 11/7/2016 quy định việc sử dụng hiệu quả thời gian làm việc đối với cán bộ, công chức, viên chức  trong các cơ quan, đơn vị; (2) Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 12/4/2017 về việc nâng cao kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức; (3) Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 28/4/2023 về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các cơ quan, đơn vị, địa phương; (4) Công văn số 9302/UBND-TH ngày  25/10/2023 về tiếp tục chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp; (5) Công văn số 9515/UBND-TH ngày 31/10/2023 về chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát hoạt động công vụ và các văn bản hướng dẫn, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong tỉnh. Đặc biệt, trong năm 2023,  Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng chuyên đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Đắk Lắk thật sự tiên phong gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay”.

Đi đôi với việc ban hành các văn bản nhằm chỉ đạo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ trong cán bộ, công chức, viên chức, công tác tổ chức tuyên truyền, quán triệt trong toàn thể cán bộ, công chức, viên chức về các quy định của Đảng, quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh được triển khai thường xuyên bằng nhiều hình thức phù hợp; công chức lãnh đạo, chỉ đạo chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện nghiêm túc; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, quy chế làm việc và kỷ cương, kỷ luật hành chính được thực hiện thường xuyên, nhất là tổ chức thực hiện đầy đủ quy định của Luật Cán bộ, công chức về thanh tra công vụ; kiểm tra thường xuyên và đột xuất công tác cải cách hành chính, các bộ phận thường xuyên tiếp xúc với tổ chức, Nhân dân ....đặc biệt là năm 2023 đã tổ chức thành công Hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Thông qua hội nghị này lãnh đạo tỉnh đã chuyển tải đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về sự quan tâm và động viên về tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức.

 Đến nay, việc chấp hành các quy định về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và hoạt động nghề nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ Nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức được nâng lên; tính tiền phong gương mẫu của cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị được phát huy. Từ đó, đã góp phần ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ tỉnh Đắk Lắk tiền phong gương mẫu, có đạo đức cách mạng trong sáng, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị, địa phương vẫn còn những hạn chế, đó là: (1) Năng lực, chất lượng công tác tham mưu chưa đạt yêu cầu đề ra, có tình trạng không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ; một số cán bộ, công chức, viên chức chưa đề cao trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan trong hoạt động công vụ và hoạt động nghề nghiệp; (2) ý thức kỷ luật lao động chưa cao, chưa chấp hành tốt quy định về văn hóa công sở, quy định về nếp sống văn minh; vi phạm quy định về việc sử dụng thời gian làm việc đối với cán bộ, công chức, viên chức; đạo đức công vụ chưa tốt; giao tiếp, ứng xử thiếu chuẩn mực; (3) một số cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng việc thực thi nhiệm vụ, vị trí công tác để tư lợi, sách nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật Nhà nước; (4) Công tác kiểm tra, đôn đốc của các cơ quan, đơn vị, địa phương về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ và hoạt động nghề nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, việc phát hiện vi phạm, xác định trách nhiệm và xử lý chưa kịp thời, chưa nghiêm. Những tồn tại, hạn chế  nêu trên đã làm ảnh hưởng đến kỷ luật, kỷ cương, hiệu quả công việc, ảnh hưởng đến tác phong và uy tín của cán bộ, công chức, viên chức.

kiemtra congvu

kiểm tra CCHC, công vụ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Những hạn chế nêu trên, xuất phát từ các nguyên nhân, sau đây:

Một là: Sự quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức về nghĩa vụ, đạo đức công vụ, văn hóa công vụ, tinh thần trách nhiệm và quy định về kỷ luật, kỷ cương của một số cơ quan, đơn vị chưa thường xuyên, quyết liệt. Trách nhiệm quản lý của lãnh đạo các cấp, nhất là người đứng đầu đối với cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền chưa kịp thời, chậm phát hiện cá nhân vi phạm, có nơi vẫn còn buông lỏng để cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Hai là: Việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ chưa nghiêm, không có tính răn đe. Khi phát hiện thì xử lý xuê xoa, chung chung, rút kinh nghiệm, dẫn đến một số cán bộ, công chức, viên chức "nhờn", chấp hành không nghiêm túc.

Ba là: Ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương và năng lực của một số cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế, thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái, coi thường kỷ luật, kỷ cương và có một số trường hợp vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ

Bốn là: Quy định pháp luật chưa đồng bộ, nội quy, quy chế cơ quan, đơn vị chưa đầy đủ, có nơi vẫn còn lỏng lẻo, để cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng kẻ hở để vi phạm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ, hoạt động nhiệm vụ chưa được thường xuyên, liên tục, chậm phát hiện và xử lý kịp thời.

kiemtra congvu2

công chức tại Trung tâm hành chính công

Để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, thực thi công vụ trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức cần phải tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp sau:

* Đối với các cơ quan, đơn vị

- Tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện các quy định của Trung ương, các quy định pháp luật cán bộ, công chức, viên chức và các chỉ thị, quy định của tỉnh về kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ gắn với thực hiện nghiêm túc Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa””; tổ chức quán triệt sâu rộng và thực hiện có hiêu quả Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 của Chính phủ quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng môi trường thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm trong thực hiện trách nhiệm công vụ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc. Đây được xác định là khâu mấu chốt để thực hiện việc nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm, khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức hiện nay.

- Coi trọng xây dựng quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cá nhân, tổ chức. Một mặt, để nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, yêu cầu đặt ra trước hết là phải xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ của mỗi người, mỗi tổ chức thì tổ chức, đơn vị đó mới hoạt động có hiệu quả. Mặt khác, để động viên, khuyến khích tinh thần trách nhiệm và hạn chế thói lười biếng, vô trách nhiệm, ỷ lại, tư lợi cá nhân của cán bộ, công chức, viên chức, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, đảng viên. Đồng thời, phát hiện và xử lý kịp thời những  cá nhân vi phạm, thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống...

- Tiếp tục thực hiện tốt Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhằm giáo dục đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, kỷ cương và đạo đức trong thực thi nhiệm vụ, chấn chỉnh phong cách làm việc; nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật.

- Xác định rõ trách nhiệm và đề cao vai trò của người đứng đầu trong việc thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ tại cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; nâng cao hiệu quả các hoạt động nhằm ngăn chặn, phòng, chống để đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực trong mỗi cơ quan, đơn vị. Rà soát và ban hành đầy đủ các quy chế làm việc, quy chế giao tiếp, ứng xử trong cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức và người lao động nhằm đảm bảo thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ trong cơ quan, đơn vị.

- Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị khi giao nhiệm vụ cho cấp dưới, công chức, viên chức thực thi nhiệm vụ phải có quy định cụ thể người chủ trì thực hiện, thời gian hoàn thành, tránh tình trạng thiếu trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ.

- Tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là kiểm tra đột xuất; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thanh tra, kiểm tra nội bộ để kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân làm chưa tốt. Kịp thời rà soát, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ trách nhiệm, để trì trệ và không đáp ứng yêu cầu công việc được giao. Trường hợp đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm để xảy ra chậm trễ hoặc không quyết định những vấn đề, công việc thuộc thẩm quyền gây hậu quả thì phải kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan theo đúng quy định của Đảng và Nhà nước. Khen thưởng kịp thời đối với tổ chức, cá nhân phát hiện, cung cấp thông tin về sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ và hoạt động nghề nghiệp.

* Đối với cán bộ, công chức, viên chức

- Phải thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao trên cơ sở công việc cụ thể được phân công, trách nhiệm thực hiện, hiệu quả công việc và quy trình trong giải quyết công việc; luôn phát huy tính tích cực, chủ động, đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, nhuần nhuyễn trong công việc, có quan điểm, chính kiến rõ đối với những nội dung mới, nội dung khó; thực hiện tốt Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương. Ngoài ra, đối với người đứng đầu cần phải gương mẫu đi đầu trong thực thi nhiệm vụ công tác, có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, giao tiếp, ứng xử hài hòa, mẫu mực trong cơ quan, đơn vị, khi phân công nhiệm vụ rõ ràng và thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cán bộ, công chức, viên chức.

- Phải tuân thủ trật tự, thứ bậc hành chính và đúng thẩm quyền; thực hiện đúng, đủ chức trách và nhiệm vụ được giao, không để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Nghiêm cấm việc lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để nhũng nhiễu, gây phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân, tổ chức và doanh nghiệp.

- Căn cứ vào vị trí việc làm và nhiệm vụ được phân công, từng cán bộ, công chức, viên chức phải xây dựng kế hoạch công tác cụ thể hàng tháng, quý, năm và báo cáo Thủ trưởng đơn vị để quản lý, theo dõi, chỉ đạo, giám sát.

- Thực hiện nghiêm Quy định số 55-QĐ/TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 101-QĐ/TW ngày 07/6/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật. 

- Khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức và người lao động vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính và đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị, địa phương phải có biện pháp xem xét xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật./.

                                                                          

                                                                                   Đặng Xuân Hiệp - Phòng CCVC

 

 pano thi viet Chuyen doi so

dmtthc

lg DH Đảng

dan hoi

co so du lieu quoc gia

Qr zalo bnv

BANER TUYENDUNG

daklakgovvn

Cong bao Dak Lak

baner ccvc

 

ipv6 ready